Thế nên hôm nay, tôi sẽ tặng cho các bạn hai câu truyện: một truyện gọi là “thay đổi”, một truyện gọi là “lên đường”. Câu truyện rất ngắn, mời các bạn đọc xong rồi mới bắt đầu năm 2017 của mình!
Câu chuyện thứ nhất: Thay đổi
Con khỉ muốn biến thành người, nó biết là muốn biến thành người phải chặt bỏ cái đuôi, nhưng trước khi “tự cắt”, có 3 điều khiến con khỉ băn khoăn:
1. Lúc chặt đuôi có đau lắm không? (thay đổi sẽ có đau khổ nhất định)
2. Sau khi chặt đuôi thì cơ thể có còn giữ được sự linh hoạt nữa không? (thay đổi cần có sự mạo hiểm nhất định)
3. Sống lâu như vậy rồi, trước giờ luôn gắn liền với nó, đã mang theo nhiều năm như vậy rồi, không nhẫn tâm vứt bỏ nó. (thay đổi sẽ có một số khó chịu về mặt tình cảm)
( Ảnh minh họa: nguồn internet)
Chính vì những lý do này mà đến nay khỉ vẫn chưa biến thành người. Muốn thành tựu bất cứ việc gì đều cần phải buông bỏ đi một số thứ. Không nỡ bỏ đi những gì bạn đang sở hữu thì sẽ không có được cái tốt hơn.
Thay đổi, có lẽ sẽ đau khổ một thời gian, thế nhưng không đau khổ, thì có thể sẽ đau khổ cả một đời! Sự nghiệp hay tình cảm cũng đều như vậy.
Câu chuyện thứ hai: Lên đường
Một vị hòa thượng muốn chu du khắp thiên hạ để học hỏi. Sư phụ nghe vậy liền hỏi: “Khi nào con lên đường?”
“Thưa sư phụ, con tính tuần sau ạ. Lộ trình xa, con đã nhờ người đan mấy đôi giày cỏ rồi, sau khi nhận giày sẽ lên đường”, vị hòa thượng nói.
Sư phụ trầm ngâm một lúc rồi nói: “Hay là vậy đi, mai ta sẽ kêu phật tử quyên tặng.”
Nói xong vị sư phụ liền rảo bước đi. Chỉ một lúc sau đó, số giày cỏ được mang đến đã chất đầy một góc phòng. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, lại có người mang một cây dù đến tặng hòa thượng.
Vị hòa thượng ngạc nhiên hỏi: “Tại sao anh lại tặng tôi cây dù?”
“Sư phụ anh nói anh sắp phải đi xa, sợ là trên đường gặp mưa to gió lớn, hỏi tôi có thể tặng anh một cây dù hay không”, người kia đáp. Thế nhưng hôm đó không chỉ có một người đến tặng dù, mà có tới tận 50 người!
Đến tối, sau khi tụng kinh sau, vị sư phụ liền đi vào chỗ thiền phòng của hòa thượng trẻ hỏi: “Giày cỏ và dù đã đủ chưa hả?“
Hòa thượng trẻ liền chỉ vào đống giày và dù chất cao như núi ở trong phòng nói: “Đủ cả rồi ạ. Nhưng con đang lo làm sao để mang hết chúng theo?”
Nghe vậy, vị sư phụ liền suy nghĩ một lát rồi nói tiếp: “Vậy để ta đi kêu các tín chúng quyên góp tiền để mua cho con 2 chiếc xe, một chiếc đựng dù, một chiếc đựng giày. Con thấy thế nào?”
(Ảnh minh họa: nguồn internet)
Vị hòa thượng trẻ chợt tỉnh ngộ, quỳ sụp xuống nói: “Đệ tử hiểu rồi thưa sư phụ. Con sẽ xuất phát ngay bây giờ, không mang theo gì cả!”
Bạn thấy đấy, khi làm bất cứ chuyện gì, quan trọng không phải là có mang đầy đủ vật ngoại thân hay không, quan trọng nhất chính là có đủ quyết tâm hay không?
Có quyết tâm rồi, xác định mục tiêu rồi, mọi chuyện đều không phải vấn đề nữa.
Mỗi một bước chân, đều là một chút thu hoạch. Mang trái tim lên đường, tất cả vật bên ngoài tự nhiên sẽ cảm thấy đầy đủ.
Đại Kỷ Nguyên bàn
Kỳ thực, để thành tựu điều gì đó trong đời, bạn cần phải biết buông bỏ. Khỉ không thể trở thành người, bởi vì nó suy nghĩ quá nhiều về việc cắt cái đuôi. Nhưng sự trưởng thành là một quá trình đau đớn. Tại sao Phật gia luôn giảng, phải buông rồi mới được, đạo lý ấy quá sâu sắc nhưng ít người hiểu được. Muốn thành đạt, hay buông bỏ chấp trước vào danh, làm nỗ lực hết sức mình một cách vô tư không vụ lợi, chắc chắn sẽ có được những gì nên có.
Khi mang quá nhiều thứ trên vai, suy nghĩ chuẩn bị quá nhiều, bạn không thể bắt đầu cuộc hành trình, nói gì đến thành tựu. Đừng mang gì nhiều trong cuộc sống này, ngoài một trái tim nhiều lửa, một cái đầu nhẹ nhõm không toan tính suy tư, một nhiệt huyết chân thành mà không vụ lợi, mang trái tim lên đường, mục tiêu tuy ở nơi xa tít nhưng con đường lại ngay dưới chân mình.
Và bạn chỉ có thể làm được những điều đó, nếu bạn… không suy nghĩ tính toán quá nhiều.
Châu Yến biên dịch / Blogbuon.com