Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Tại sao bạn cáu giận khi người bên cạnh nhai chóp chép?

Bằng các nghiên cứu quét não, các nhà khoa học Anh giải thích tại sao bạn và một số người trở nên tức giận, thậm chí tức điên lên bởi tiếng thở hoặc nhai của người bên cạnh.

Theo bài báo đăng trên tạp chí Current Biology số ra ngày 2/2/2017, những người này mắc hội chứng misophonia (căm ghét âm thanh) - là tình trạng mà một người có thể dễ dàng khó chịu hay tức giận bởi những âm thanh nhỏ nhặt như tiếng nhai thức ăn, tiếng chặc lưỡi, ngáy ngủ hay thậm chí là tiếng thở to. Các nhà khoa học Anh cho rằng hoạt động gia tăng trong phần não xử lý và điều khiển cảm xúc tạo ra sự tức giận và lo lắng để phản ứng với những âm thanh phát ra từ ăn, uống, thở.


Người căm ghét âm thanh phản ứng gay gắt hơn nhiều đối với âm thanh nhai và thở.

Các nhà nghiên cứu đã cho 20 người mắc chứng misophonia và 22 người không mắc chứng này nghe các âm thanh khác nhau trong khi đang được quét cộng hưởng từ (MRI). Một số âm thanh là trung tính, như tiếng mưa rơi. Một số âm thanh khác, như tiếng trẻ em khóc, khiến cả hai nhóm đối tượng khó chịu nhưng không gây ra phản ứng căm ghét âm thanh. Và cuối cùng là nhóm một số âm thanh được cho là gây ra căng thẳng cho những người căm ghét âm thanh như tiếng ồn phát ra do nhai và thở.

Cả hai nhóm đối tượng phản ứng tương tự với âm thanh trung tính và âm thanh gây khó chịu. Nhưng những người căm ghét âm thanh phản ứng gay gắt hơn nhiều đối với âm thanh nhai và thở. Kết quả quét cộng hưởng từ não cho thấy phần vỏ thuỳ đảo não trước của họ - một cấu trúc não liên quan đến xử lý cảm xúc - hoạt động tích cực hơn.

Các nhà khoa học cũng phát hiện có những sự khác biệt về cấu trúc não – có nhiều kết nối hơn từ vỏ thuỳ đảo trước tới các cấu trúc giúp xử lý cảm xúc như hạch hạnh nhân (amygdala), nằm ở tâm của não là nơi xử lý các yếu tố gây cảm xúc ở con người và hồi hải mã (hippocampus), một phần của não trước, là một cấu trúc nằm bên trong thuỳ thái dương.

Theo đồng tác giả nghiên cứu là nhà khoa học thần kinh nhận thức Sukhbinder Kumar của đại học Newcastle (Anh), âm thanh hằng ngày mà hầu hết mọi người bỏ qua tạo ra phản ứng cảm xúc rất mạnh mẽ đối với những người căm ghét âm thanh. Não của họ được "chỉ định" thêm tầm quan trọng với những âm thanh nhất định. Song các nhà khoa học vẫn chưa rõ tại sao chỉ những âm thanh đặc biệt mới gây ra phản ứng như vậy.

Theo vnreview / Blogbuon.com