Ví dụ như Tài Bạch Tinh Quân, Tam Đa Tinh Quân, Quan Thánh đế, Lưu Hải Thiềm, v.v. rất nhiều trong số họ không phải là thần tiên trên thượng giới, mà là được người đời cung phụng, bái lạy, và tôn vinh mà thành “thần”. Bài viết này xin kể lại truyền thuyết về một vị Thần Tài như thế.
Những ai từng đến Bắc Kinh, Trung Quốc, có lẽ đã từng nghe nói đến Bạch Vân Quán, nơi được các đạo sĩ Toàn Chân phái tôn vinh là “Thiên hạ đệ nhất tùng lâm”. Bên trong đạo quán có “Tài thần điện” là nơi thờ Thần Tài lão gia. Người ta nói vị “thần” ấy nguyên là Thẩm Vạn Tam, vốn là người ở vùng Tô Châu, sống vào thời cuối Nguyên, đầu Minh. Cho đến nay, người đời vẫn còn lưu truyền câu chuyện về vị “thần” này.
Tương truyền rằng, Thẩm Vạn Tam vốn là ông lão nghèo. Một ngày, sau khi cứu được con nhái trời và phóng sinh nó về với tự nhiên, ông đã được con nhái trả ơn bằng chiếc chậu sành tên là “tụ bảo bồn”. Thẩm Vạn Tam không biết rằng đây chính là báu vật, mãi cho đến khi vợ ông vô tình đánh rơi một đồng xu vào chậu rồi phát hiện chiếc chậu đã sinh ra rất nhiều tiền trong đó. Đến lúc này ông mới nhận ra đây là chiếc chậu thần kỳ, bất cứ thứ gì rơi vào trong nó sẽ trở thành châu báu hay ngọc ngà.
Thẩm Vạn Tam và “tụ bảo bồn” (Ảnh minh họa: internet)
Lại cũng có một thuyết kể rằng Thẩm Vạn Tam là thương gia giàu có nhất nhì trong vùng. Khi Minh thái tổ Chu Nguyên Chương lên làm hoàng đế, ông không có đủ kinh phí để xây dựng tòa thành ở Nam Kinh. Chính nhờ có Thẩm Vạn Tam chu cấp tiền bạc, nhà Minh mới có thể xây được 3 tòa thành môn. Tất nhiên đó chỉ là một thuyết được kể ở Nam Kinh. Nhưng ở Bắc Kinh, người ta đã lưu truyền một câu chuyện còn ly kỳ hơn nữa.
Người dân Bắc Kinh thường gọi Thẩm Vạn Tam là “Thần Tài sống”, phải chăng là bởi ông có rất nhiều tiền? Kỳ thực trong tay ông lại không có nấy một đồng, ngay đến quần áo cũng rách nát. Vậy làm sao ông có thể trở thành “Thần Tài” cho được? Đó là bởi ông có khả năng đoán biết được nơi nào chôn giấu vàng bạc, cất giữ kho báu…
Chuyện kể rằng khi hoàng đế Chu Nguyên Chương đang cần tiền để tu sửa tường thành, có người đã đem chuyện “Thần Tài” Thẩm Vạn Tam nói với ông. Hoàng đế vui mừng, lập tức cho người bắt “Thần Tài” đến.
Khi quan quân triều đình đến nơi, họ chỉ thấy có một gian nhà nhỏ rách nát. Nhưng vì phải tuân theo Thánh chỉ, họ vẫn bắt Thẩm Vạn Tam vào triều cho bằng được. Khi Thẩm Vạn Tam lên điện yết kiến hoàng đế, Chu Nguyên Chương nhìn ông lão nghèo trước mặt mình rồi lẩm bẩm: Lão già này là Thần Tài sao? Rồi hoàng đế hỏi:
– Nhà ngươi tên là Thẩm Vạn Tam phải không?
– Bẩm, tiện dân chính là Thẩm Vạn Tam.
– Nhà ngươi biết chỗ nào giấu vàng giấu bạc phải không?
– Bẩm, thần không biết.
Chu Nguyên Chương lớn tiếng quát:
– Không biết à, thế thì tại sao nhà ngươi trở thành Thần Tài cho được?
– Đó là người khác nói thế, chứ tiện dân không phải là Thần Tài.
Chu Nguyên Chương nổi trận lôi đình, hét lên rằng:
– Nhà ngươi đúng là yêu ngôn mê hoặc lòng người. Quân bay đâu, lôi tên yêu quái này ra đánh cho ta!
(Ảnh minh họa: Internet)
Thẩm Vạn Tam bị đánh tới bầm dập, thâm tím khắp mình mẩy, miệng vẫn không ngớt quên oan. Đến khi không thể chịu đựng được nữa, ông thều thào nói với giọng yếu ớt:
– Đừng đánh nữa, đừng đánh nữa, tôi biết chỗ nào có vàng!
Sau đó, quân lính dẫn Thẩm Vạn Tam ra ngoài. Khi đến một khu đất trống, ông bèn chỉ bừa một chỗ và nói rằng: “Các ông đào chỗ này đi”. Khi quân lính đào xuống, họ quả nhiên thấy một hầm bạc. Người ta nói là có tất cả 10 hầm, trong đó tìm thấy tổng cộng 480 vạn lượng. Sau khi thành Bắc Kinh tu sửa, vị trí đào hầm bạc đã trở thành cái hồ nước được gọi là “Thập Giáo Hải” (十窖海). Ngày nay, đó là một hồ lớn có phong cảnh mỹ lệ nằm ở phía tây nam Cổ Lâu thành Bắc Kinh.
Từ câu chuyện kể trên mà người ta gọi ông lão nghèo Thẩm Vạn Tam là “Thần Tài”, nhưng kỳ thực, ông không phải là một vị thần nào cả. Như một bậc cao nhân từng giảng, ngoại trừ những vị Phật và Đạo có thật trong lịch sử như Thích Ca Mâu Ni, Jesus, Lão Tử, hay những vị thần tiên từng trải qua quá trình tu luyện gian khổ, thì rất nhiều vị “thần”, “thánh” mà về sau này người ta nhắc đến thực chất chỉ là do người đời suy tôn rồi bái lạy mà thành, có lẽ “Thần Tài Thẩm Vạn Tam” cũng là một trong số đó.
Hồng Liên / Blogbuon.com