Cậu bé Hạo 7 tuổi, đang học tiểu học lớp hai. Một lần thi môn toán xong, Hạo rất buồn, vì cậu bé chỉ thi được 3 điểm, là điểm thấp nhất lớp.
Lúc cô giáo đọc điểm thi, kêu Hạo lên nhận bài thi, cả lớp hơn 3 học sinh đều cùng một lúc nhìn vào Hạo, cậu xấu hổ đến đỏ cả mặt, cảm thấy cả lớp đều đang cười nhạo mình, hận không thể tìm một cái lỗ để chui vào.
Sau khi tan học về đến nhà, Hạo rất hồi hộp, cũng rất lo sợ, cậu bé không biết phải làm sao mở miệng nói với ba mẹ là mình chỉ thi được 3 điểm, càng không biết sau khi ba mẹ biết chuyện sẽ có phản ứng ra sao.
Điều khiến Hạo bất ngờ là, ba mẹ xem xong bài thi đều rất bình tĩnh. Người cha sờ đầu Hạo nói: “Khá lắm, con trai của ba lợi hại hơn ba, năm xưa ba đi học từng thi thấp điểm hơn cả con nữa, có một lần làm bài thi còn căng thẳng đến nỗi quên chưa viết tên đã đem nộp bài rồi…”, nói xong thì cười sảng khoái.
Người mẹ cũng an ủi Hạo: “Con trai, lần này thi không tốt không sao, mẹ tin chỉ cần con cố gắng, lần sau nhất định sẽ có tiến bộ. Mau đi rửa tay, sau đó ra ăn cơm, hôm nay mẹ có làm món mà con thích nhất đó.”
Ba mẹ không trách mình, nhưng Hạo vẫn rất buồn, cậu bé nói với mẹ: “Nhưng mà, hôm nay cô giáo ở trước mặt tất cả bạn học trong lớp đọc điểm của con ra, sau đó kêu con lên bảng nhận bài thi, các bạn học đều cười nhạo con.”
“Con trai, con phải nhìn nhận việc này một cách lạc quan, cô giáo kêu con lên bảng nhận bài thi, là vì muốn con có ấn tượng sâu sắc hơn, khích lệ con cố gắng học tập, giành được tiến bộ. Nếu cô giáo chỉ âm thầm giao bài thi cho con, ấn tượng của con chắc chắn sẽ không sâu đậm như bây giờ rồi, đúng không?”
Ba mẹ biết rằng, trách mắng chỉ làm đứa con càng đau lòng buồn bã, thậm chí sẽ tự mình nản lòng, sự an ủi. khích lệ của ba mẹ, sẽ làm đứa con càng nghiêm túc đối với việc học hơn, giành lấy được sự tiến bộ trong kỳ thi lần sau.
Sự thật chứng minh đúng là như vậy, sau lần thi đó, Hạo trong giờ học nghiêm túc hơn, và tích cực trả lời câu hỏi của cô giáo, thành tích thi cử mỗi lần đều dần dần nâng cao. Nhận được sự động viên của ba mẹ, Hạo tôn trọng cô giáo, đối tốt và quan tâm bạn bè, cô giáo và các bạn đều rất thích cậu bé.
Cách làm của ba mẹ Hạo thực sự là quá tuyệt vời. Nếu như họ vì Hạo thi được 3 điểm mà trách mắng con một trận, đứa con sẽ càng buồn hơn, và trong lời trách mắng của phụ huynh mà hình thành áp lực tâm lý lớn hơn, lần sau trước lúc thi sẽ vô cùng lo lắng, sợ thi kém một lần nữa sẽ bị ba mẹ trách mắng, kết quả trong lúc ôn tập không thể tập trung chú ý, lúc thi thì căng thẳng làm bài sai, cuối cùng vẫn là thi không tốt.
Sau đó ba mẹ lại thêm một trận trách mắng nữa, sự tuần hoàn ác tính này, cảm nhận của đứa con sẽ từ sự hổ thẹn lúc ban đầu biến thành nghi ngờ tình yêu mà ba mẹ dành cho mình, thậm chí còn nghi ngờ khả năng của mình, cuối cùng rất có thể sẽ buông thả mọi thứ, tự mình từ bỏ chính mình…. Thành tích học tập của con kém, luôn rất khó nâng cao, nhiều lúc chính là do thái độ sai lầm của ba mẹ đối với thành tích bài thi của con gây ra.
Thái độ của ba mẹ quyết định tương lai của con. Giáo dục trong trường học tuy có sức ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ nhỏ, nhưng làm cha mẹ, chúng ta không kiểm soát được thầy cô và bạn bè trong trường đối xử với con mình ra sao, nhưng chúng ta có thể quyết định thái độ của mình đối với con.
Vả lại, ba mẹ phải biết là, thành tích tốt hay xấu không thể quyết định tương lai của đứa con. Thành tích thi cử chỉ có thể chứng minh trình độ nắm bắt của đứa con đối với những kiến thức đã học ở hiện tại, ba mẹ không thể vì thành tích học không lý tưởng mà gán mắc “học sinh kém”, “đứa con hư” cho con, loại hành vi này chỉ làm hủy hoại con mà thôi.
Mỗi đứa con đều có ưu điểm của riêng mình, làm cha mẹ đừng lúc nào cũng nhắm vào thành tích thi của con. Chỉ cần con lương thiện, phẩm hạnh tốt, có lòng cầu tiến, vui vẻ khỏe mạnh, là đủ rồi. Thành tích học tập có được xếp vào top đầu hay không, thực sự không quan trọng đến vậy đâu.
Châu Yến biên dịch
Blogbuon.com