Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Sự thật đáng sợ đằng sau kiệt tác Bữa tiệc cuối cùng khiến chính Leonardo da Vinci chấn động


The Last Supper” – bức tranh nổi tiếng của danh họa Leonardo Da Vinci mô tả bữa ăn cuối cùng của chúa Jesus cùng 12 vị tông đồ trước khi ông bị bắt và đóng đinh lên cây thập giá. Tuy nhiên, bức tranh không chỉ nổi tiếng vì sự tinh xảo hay giá trị nghệ thuật trong đó mà còn nổi tiếng vì những câu chuyện kỳ bí xung quanh sự ra đời của nó.

Chuyện kể rằng Da Vinci đã mất rất nhiều thời gian để vẽ bức tranh này, bởi ông muốn tác phẩm của mình để lại cho hậu thế là một tác phẩm được miêu tả chân thật. Chính vì vậy, Leonardo Da Vinci chọn người mẫu rất công phu. Giữa hàng ngàn thanh niên, ông mới chọn được một chàng trai trẻ đẹp, có gương mặt thánh thiện, một nhân cách tinh khiết tuyệt đối và một tâm hồn trong sáng để làm hình mẫu vẽ Chúa Trời.

Da Vinci đã làm việc không mệt mỏi suốt sáu tháng trước chàng trai, để tái hiện được hình ảnh của Chúa Jesus trên bức vẽ: một khuôn mặt hiền từ, thánh thiện, bao dung – thật xứng đáng với ngôi vị Chúa tể của muôn loài.


Hình tượng chúa Jesus (Ảnh: Deviantart)

Việc chọn mẫu và vẽ các vị thánh tông đồ không có gì khó khăn nên sáu năm tiếp theo ông lần lượt vẽ xong 12 vị tông đồ, chỉ còn có Judas, vị môn đồ đã phản bội Chúa vì 30 đồng bạc.

Leonardo Da Vinci muốn tìm một người đàn ông có khuôn mặt hằn lên sự hám lợi, lừa lọc, đạo đức giả và cực kỳ tàn ác. Khuôn mặt đó phải toát lên tính cách của kẻ sẵn sàng bán đứng người bạn thân nhất, người thầy kính yêu nhất của chính mình…

Và thế là, để hoàn thành kiệt tác của mình, hàng ngày Leonardo Da Vinci đi lang thang trong khắp thành phố, quan sát cử chỉ, hành động của những kẻ tội phạm, lưu manh rồi vẽ đi vẽ lại hàng trăm bức vẽ Judas ở các tư thế khác nhau. Nhưng rốt cục, giữa hàng trăm gương mặt xấu xa nhất tìm được, không có ai có thể khiến ông hoàn toàn vừa ý.

Cuộc tìm kiếm tưởng chừng rơi vào vô vọng thì một ngày kia, danh họa nhận được thông báo rằng có một kẻ mà ngoại hình có thể đáp ứng được yêu cầu của ông. Hắn đang ở trong một hầm ngục ở Roma, chờ ngày ra pháp trường vì phạm tội giết người và rất nhiều tội ác tày trời khác.

Da Vinci lập tức lên đường đến Roma. Trước mắt ông là một gã đàn ông nước da đen sậm với mái tóc dài bẩn thỉu phủ xoà xuống mặt, một khuôn mặt hằn lên vẻ tàn ác và đê tiện cùng cực. Đúng, đây chính là Judas! Người mà Leonardo vẫn mải mê tìm kiếm suốt 6 tháng qua.

Được sự cho phép đặc biệt của Đức Vua, tên tội phạm được hoãn ngày thi hành án và được đưa tới nhà nguyện Santa Maria delle Grazie, nơi bức tranh đang được ông vẽ dở. Thế rồi, mỗi ngày, tên tù im lặng ngồi trước Da Vinci, còn hoạ sĩ thiên tài thì cần mẫn với công việc truyền tải vào bức tranh diện mạo của một kẻ phản phúc.


Judas, một trong số các môn đồ của Chúa Jesus đã tố giác với nhà cầm quyền La Mã để bán đứng người thầy của mình nhằm đổi lấy 30 đồng bạc. (Ảnh: Ookaboo)

6 tháng ròng rã trôi qua như chớp mắt… Khi nét vẽ cuối cùng hoàn thành, kiệt sức vì phải đối mặt với cái ác một thời gian dài, Vinci quay sang bảo lính gác “Các ngươi đem hắn đi đi…”. Lính canh vâng lệnh, túm lấy vai kẻ tử tù định đưa đi, thì lúc này, bỗng dưng tên tử tù lao đến quỳ mọp dưới chân Vinci và khóc nấc lên: “Ôi! thưa ngài Da Vinci. Hãy nhìn con! Ngài không nhận ra con ư?”

Da Vinci từ tốn nhìn kỹ kẻ mà suốt 6 tháng qua ông đã liên tục gặp mặt. Cuối cùng, ông lắc đầu: “Không, ta chưa từng nhìn thấy ngươi cho đến khi ngươi được đưa đến cho ta từ hầm ngục ở Roma…”

Tên tử tù lúc này còn khóc rống hơn trước: “Ngài Vinci… Hãy nhìn kỹ lại tôi! Tôi chính là người mà bảy năm trước ông đã chọn làm mẫu để vẽ Chúa Trời…”

Da Vinci lúc này như bật ngửa trước những gì mình đang được tận mắt chứng kiến. Thật trớ trêu, chàng trai được chọn làm hình mẫu của Chúa Trời, chỉ sau hơn hai ngàn ngày, đã tự biến mình thành hình mẫu của kẻ phản bội ghê gớm nhất trong lịch sử. Một hình tượng hoàn hảo đã trở thành kẻ đồi bại chỉ trong chớp mắt… Nghĩ đến đây, Da Vinci không khỏi lắc đầu ngao ngán, ông thở dài đánh thượt một cái rồi lặng lẽ bước ra khỏi căn phòng…

Suy ngẫm:

Phải chăng là ý Trời khi kẻ bội phản xấu xa lại chính là người từng làm hình mẫu Chúa? Phải chăng điều đó đã nói lên sự thật rằng, trong mỗi con người đều có mặt Thiện và Ác, chính và tà, có Phật tính thì cũng có cả ma tính. Đấy chính là lý tương sinh tương khắc của vũ trụ.

Phật giáo tin rằng vẻ bề ngoài của một người là liên quan mật thiết với nội tâm bên trong của người đó. Một người có tấm lòng lương thiện thì tự nhiên dung mạo cũng trở nên xinh đẹp. Tuy nhiên tướng mạo này không hề cố định mà sẽ tùy theo tâm của một người trong quá trình sống mà thay đổi theo. Có nhân thì mới có quả, thế nên nhìn vào tướng mạo của một người, người ta có thể đoán biết được ít nhiều về nội tâm của người đó.

Thiện ác vốn là hai mặt của một con người, là mầm mống có sẵn gieo trong tâm hồn. Nếu bạn muốn có được một dung mạo đẹp đẽ, trước hết bạn cần phải tu dưỡng để có một nội tâm đẹp. Tu tâm tích đức, trau dồi Phật tính, trừ bỏ ma tính làm nhiều việc tốt thì tự khắc dung mạo rạng ngời, khí chất tự nhiên trở nên thanh cao.


Phong Vân
Blogbuon.com