Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Chấp niệm là gì?


Chấp niệm là gì? Chấp niệm là một loại dục vọng vô cùng mãnh liệt. “Chấp” có nghĩa là cố chấp. Chấp niệm có thể hiểu một nghĩa đơn giản là cách nghĩ cố chấp mà người khác khó lay chuyển được cho dù thực tế đã đi ngược lại hoàn toàn với suy nghĩ đó.

Đặc điểm của chấp niệm là hiện hữu những ý niệm cố chấp tồn tại trong lòng người, là sự day dứt khi đánh mất điều gì đó, hay là những mong muốn mà không thể thực hiện được … nó tạo ra cho con người một vết tích để mỗi khi nghĩ đến lại đau đáu một nổi niềm không biết bao giờ giải tỏa.

Cuộc sống vốn là một quá trình tự tại, hạnh phúc, chỉ có điều, nhiều lúc chấp niệm của chúng ta quá nhiều, dục vọng giống như cái động không đáy, chẳng thể nào lấp đẩy được. Con người lúc nào cũng cuống quýt muốn nắm lấy tất cả, có nhà rồi thì muốn có tiền bạc, có tiền bạc lại muốn có công danh, muốn nắm trong tay cả thế giới rực rỡ sắc màu… Những tham vọng ấy khiến con người dần trở nên sức cùng lực kiệt. Nhưng suy cho cùng, chúng ta đều chỉ là con người bình thường, ham muốn quá nhiều nhưng cái nắm được thì quá ít, con người sống trên đời chẳng qua chỉ vài chục năm trời, khi mệt mỏi khốn đốn sẽ tự hỏi: Hà cớ phải như thế?

Chi bằng từ bỏ chấp niệm, sống vui vẻ với tâm thái tốt đẹp là hơn!

Mỗi lần “từ bỏ” là một lần dọn dẹp gánh nặng đang mang trên mình, vứt đi cái “tay nải hành lí” không đáng được chúng ta mang theo, để rồi sau đó, chúng ta có thể thoải mái tiếp tục con đường của mình cho đến tận khi đạt được mục tiêu của cuộc đời.

“Từ bỏ” cũng là một cảnh giới đáng mơ ước của tâm hồn, chúng ta dùng cảnh giới mà “vạn vật đều có thể từ bỏ” để nhìn nhận cuộc đời, cho dù làm người hay làm việc, tự nhiên có thể bớt đi được một chút nghi kị, thêm một chút thản nhiên; bớt một chút bất mãn, thêm một chút bình tĩnh; bớt một chút tranh đấu, thêm một chút hòa thuận;cuộc sống chẳng phải sẽ thoải mái tự tại hay sao?

Câu chuyện nhỏ về chấp niệm

Một đứa trẻ thò tay vào trong lọ lấy kẹo, nó muốn một lần lấy được nhiều chiếc nên đã lấy một nắm to, kết quả là tay bị mắc ở miệng lọ, làm thế nào cũng không thể rút ra được, sợ đến nỗi bật khóc. Ông nội nhìn thấy dáng vẻ lo lắng của cháu, chậm rãi nói: “Xem kìa! Cháu vừa không muốn bỏ lại số kẹo đó, lại vừa muốn rút tay ra, chi bằng biết đủ một chút, lấy ít đi một chút, nắm tay nhỏ lại tự nhiên sẽ có thể dễ dàng rút tay ra thôi!”

Trong cuộc sống, để “có được” thì cần có đẩu óc thông minh, còn muốn “từ bỏ” thì lại càng cần có trí tuệ và dũng khí. Con người lúc nào cũng chỉ mưu cầu chiếm hữu mà rất ít khi biết từ bỏ đúng lúc. Vì vậy, người có tiền thì bị tiền bạc làm cho mệt mỏi, còn người có tình cảm thì bị tình cảm làm tổn thương…

Biết từ bỏ, dĩ nhiên không phải là yêu cầu chúng ta không làm gì cả, mà là sau khi hành động thì không nên đặt quá nặng yếu tố thành – bại, được – mất: tiền dĩ nhiên phải kiếm, nhưng sau khi kiếm được thì phải chi dùng thích hợp chứ không nên giống như Grandet ôm chặt tiền không chịu bỏ ra; tình cảm nên hi sinh, nhưng không cần nhất định phải được báo đáp…

Đức Phật thuyết giảng chấp niệm

Tương truyền khi Đức Phật còn sống, có một quý tộc người Bà La Môn tới gặp. Người Bà Là Môn này hai tay cầm hai lọ hoa, coi đó là lễ vật dâng lên Đức Phật.

Phật nhìn thấy người Bà Là Môn liền nói: “Đặt xuống”.
Người Bà La Môn liền đặt lọ hoa trên tay trái xuống đất.
Phật lại nói: “Đặt xuống”.
Người Bà La Môn lại đặt lọ hoa trên tay phải xuống.
Nhưng Phật vẫn nói với ông ta: “Đặt xuống”.
Người Bà La Môn này không hiểu, bèn hỏi Đức Phật: “Hai tay con đã trống không, Người còn muốn con đặt cái gì xuống?”
Phật nói: “Tuy con đã đặt lọ hoa trên tay xuống, nhưng trong lòng con chưa thực sự từ bỏ chấp niệm. Chỉ khi con từ bỏ chấp niệm của sự hưởng thụ bên ngoài, chấp niệm của sự suy tư bên trong thì mới có thể giải thoát khỏi sinh tử luân hồi”.

Trong mắt người bình thường, vạn sự vạn vật của thế gian đều là vật thực, con người luôn nhìn nhận vạn vật thế gian bằng con mắt vốn có, dùng con mắt thế tục để đánh giá tất cả sự vật, vì thế thường bị những phiền não thị phi làm cho nghi hoặc, cuộc đời thêm biết bao đau khổ nhưng lại không biết làm thế nào để giải thoát.

Muốn giải thoát phiền não trong nhân gian, để tâm tịnh như nước, nếu chỉ đơn thuần dựa vào cái gọi là “thông minh tài trí” thế tục thì mãi mãi là không đủ, rất nhiều khi chúng ta cần đến một dũng khí, đó là dũng khí dám từ bỏ chấp niệm.

“Từ bỏ” là một tâm thái, một triết lí nhân sinh, một trí tuệ lớn. Biết cách từ bỏ chấp niệm là phương thuốc thần diệu giúp chúng ta vui vẻ, xóa bỏ muộn phiền, nhờ thế mà đường đời sau này – khi đã biết “từ bỏ” sẽ càng vui vẻ hơn, giúp chúng ta có thể đi xa hơn, bay cao hơn, nhìn thấy được những cảnh giới đẹp đẽ, hòa bình hơn. Chỉ cần chúng ta biết “từ bỏ” đúng lúc, dùng tâm thái ôn hòa để đối mặt với cuộc sống phức tạp rối ren, thì cuộc sống của chúng ta sẽ tràn đầy “tiếng chim ca suối chảy”.