Anh Hoàng Thắng (Hà Nội) có con trai hơn 1 tuổi chia sẻ, nhà anh hiếm người, anh là con trai độc nhất nên khi vợ anh sinh con trai đầu lòng, cả nhà ai cũng mừng. Thế nhưng khi con trai càng lớn, anh càng nhận thấy dương vật của cháu bất thường. “Tôi không thấy dương vật cháu nhô ra, vùng dương vật thực chất chỉ là một lớp da bèo nhèo”, anh kể.
Vợ chồng anh Thắng vội vàng đưa con đi bệnh viện thăm khám thì được bác sỹ thông báo là con anh bị vùi dương vật. Ống dương vật của cháu rất ngắn, bị vùi vào trong lớp da của bao quy đầu, vì thế nên không nhô lên khỏi lớp da xương mu được.
“Sau khi phẫu thuật, bé nhà tôi nằm viện gần 1 tuần. Bác sỹ bảo là gia đình phát hiện sớm bệnh nên việc điều trị dễ dàng, bé không bị tổn thương tâm lý, chứ một số gia đình phát hiện, đưa con đi điều trị muộn nên bé bị ảnh hưởng rất nhiều”, anh Thắng nói.
Các bậc cha mẹ cần quan tâm, phát hiện những bất thường ở bộ phận sinh dục của trẻ (ảnh minh họa)
Bác sỹ Khánh Vân cho biết, vùi dương vật là dị dạng bẩm sinh của bộ phận sinh dục ngoài. Thân dương vật và quy đầu bị vùi trong lớp da quy đầu với bìu hoặc thành bụng, nên không nhô lên khỏi lớp da trước xương mu. Vùi dương vật thường đi kèm với hẹp bao quy đầu, nó khiến đường tiểu bị bế tắc, ứ đọng nước tiểu tại chỗ, viêm nhiễm lỗ sáo, da quy đầu, nhiễm trùng ngược vào gây viêm bàng quang, suy thận.
Vùi dương vật là dị tật bẩm sinh có thể phát hiện được ngay khi sinh. Tuy nhiên, do thiếu sự quan tâm của cha mẹ, có nhiều trường hợp được phát hiện rất muộn. Theo một nghiên cứu, trung bình tuổi được phát hiện dương vật vùi là 4 - 6 tuổi, trẻ được phát hiện sớm nhất là 4 tháng. Chứng dương vật vùi nếu không được phát hiện thì khi đến tuổi lập gia đình, do dương vật bị thụt, ngắn, sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý, cản trở “sinh hoạt vợ chồng” và khả năng sinh sản.
Cần phân biệt với các bệnh lý khác
Bác sĩ Khánh Vân cho biết, nhiều phụ huynh bị nhầm lẫn biểu hiện của vùi dương vật với chứng hẹp bao quy đầu. Cách phân biệt là trẻ bị hẹp bao quy đầu thì bằng mắt thường có thể nhìn thấy dương vật, thân dương vật, chỉ có bao quy đầu bị hẹp. Còn với lún dương vật thì , dương vật ngắn, nhỏ, bị ẩn vào trong, hoàn toàn không nhìn thấy, hoặc nhìn thấy rất ít, sờ vào chỉ thấy ống da mà không thấy dương vật ở bên trong. Chỉ khi dùng tay ấn vào, thân dương vật mới chui ra và thụt vào trong khi thả tay ra.
Ngoài ra, cũng cần phân biệt giữa bệnh lý vùi dương vật với tình trạng trẻ em béo phì. “Trẻ bị béo phì cũng khiến mỡ vùng xương mu sa xuống, khiến dương vật của em bé thụt ra phía sau, tương tự như bệnh lý vùi dương vật. Nhưng những em bé bị thụt dương vật do béo phì thì không cần phẫu thuật, còn bệnh lý vùi dương vật thì cần phải phẫu thuật”, bác sỹ Khánh Vân cho biết.
Việc phẫu thuật sẽ giúp dương vật dài và thẳng ra, kết hợp với cắt bao quy đầu. Phẫu thuật xong, bệnh nhi cần nằm lại bệnh viện, được đặt ống thông tiểu, tiêm thuốc kháng sinh và theo dõi khoảng vài ngày hoặc 1 tuần.
Những bé trai được phát hiện bị bệnh lý vùi dương vật ở thời điểm sơ sinh hoặc dưới 1 tuổi thì không nên phẫu thuật. Bởi nếu trẻ được mổ quá sớm, khi lớn lên, những bé có mỡ xương mu dày thường có khả năng tái phát rất cao. Thời điểm phẫu thuật tốt nhất là sau 2 tuổi.
Cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện trẻ bị vùi dương vật, nhất là các bà mẹ, vì mẹ là người chăm sóc và gần gũi với trẻ nhiều nhất. Nếu trẻ bị bệnh lý vùi dương vật thường có các biểu hiện như: Dương vật có hình dạng bất thường, ống da dương vật rất ngắn hoặc không có; lỗ đái đổ ra đúng ở đỉnh quy đầu, trục dương vật thẳng, nhưng dương vật bị lún tụt xuống dưới hoặc ngang mức của xương mu, bao quy đầu bị chít hẹp; khi đi tiểu, trẻ thường phải dùng ngón tay ấn quanh gốc dương vật để dương vật thò ra.
Khi phát hiện con mình có những dấu hiệu bất thường trên, gia đình hãy đưa ngay con em mình tới các bệnh viện, cơ sở y tế để được bác sỹ thăm khám, tư vấn.
Phương Linh
(Theo Congluan) Yêu Online