Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Bệnh ung thư: Do lối sống không phải do...kém may mắn

Một nghiên cứu mới cho thấy, ung thư gây ra chủ yếu do yếu tố lối sống và không phải do sự “kém may mắn” của mỗi bệnh nhân.


Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu đã gây ra một cuộc tranh cãi sau khi nhiều người cho rằng 2/3 các bệnh ung thư xảy ra do “kém may mắn” chứ không phải do yếu tố lối sống.

Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây công bố trên tạp chí Nature đã sử dụng 4 cách tiếp cận để kết luận chỉ 10-30% trường hợp ung thư mắc phải do sự suy giảm các chức năng trong cơ thể theo hướng tự nhiên hay còn gọi là "kém may mắn". Các chuyên gia cho biết sự phân tích này "khá thuyết phục".


Bệnh ung thư xảy ra khi có sự thay đổi trong các gen chịu trách nhiệm cho sự tăng trưởng và sửa chữa các tế bào. Những thay đổi này có thể gây ra do các yếu tố nội tại mang tính bẩm sinh trong cơ thể (các yếu tố di truyền) chẳng hạn như nguy cơ của đột biến xảy ra mỗi khi một tế bào phân chia, hoặc do các yếu tố bên ngoài như hút thuốc, bức xạ tia cực tím và nhiều nguyên nhân khác chưa được xác định.

Trong tháng Giêng vừa qua, một báo cáo trên tạp chí Khoa học đã cố gắng giải thích tại sao một số mô tế bào dễ bị mắc các bệnh ung thư hơn hàng triệu lần so với các mô khác. Giải thích của họ nói đến việc quá trình tế bào phân chia vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta và từ đó dẫn đến giả thuyết về nguyên nhân “kém may mắn”.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới nhất gần đây, một nhóm các bác sĩ thuộc Trung tâm Ung thư Stony Brook ở New York, Mỹ đã tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, bao gồm cả mô hình máy tính, dữ liệu dân số và phương pháp tiếp cận di truyền.

Họ cho biết các kết quả nhất quán đưa ra con số 70-90% nguy cơ mắc bệnh là do các yếu tố bên ngoài. Giám đốc Trung tâm ung thư Stony Brook - Tiến sĩ Yusuf Hannun trả lời báo chí: "Yếu tố bên ngoài đóng một vai trò lớn và yếu tố “kém may mắn” chỉ có tác động nhỏ trong vấn đề này."

Một giáo sư về thống kê tại Đại học Mở tại nước Anh - Kevin McConway cho biết: "Chúng tôi đã những cung cấp bằng chứng khá thuyết phục cho thấy các yếu tố bên ngoài đóng một vai trò quan trọng trong nhiều bệnh ung thư. Ngay cả nếu một người nào đó bị tiếp xúc với các yếu tố gây ung thư ở bên ngoài, họ cũng có nguy cơ mắc bệnh dễ hơn."

Thêm vào đó, Tiến sĩ Emma Smith chuyên nghiên cứu về ung thư ở Anh, cho hay: "Trong khi những thói quen lành mạnh như không hút thuốc, duy trì một trọng lượng khỏe mạnh, thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh và từ bỏ rượu không hẳn rằng sẽ chắc chắn giúp bạn chống lại bệnh ung thư, nhưng chúng cũng làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh."


Hải Đăng – (Dịch theo BBC)
(Theo Congluan)