Ngày nay tỷ lệ sinh mổ tăng cao bất thường. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều thai phụ hoàn toàn có cơ hội sinh tự nhiên, nhưng cuối cùng vẫn phải chuyển mổ cấp cứu.
Theo các bác sỹ chuyên môn, thai phụ được sinh theo phương pháp đẻ mổ trong các trường hợp đầu thai nhi quá to, ngôi thai bất thường không thể sinh qua ngả âm đạo. Ngoài ra nếu thai phụ có tiền sử hoặc đang mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim cũng được khuyên nên sinh mổ.
Sau đây là các lý do tại sao bác sỹ khuyên bạn sinh mổ thay vì sinh thường tự nhiên.
Do thai phụ đã từng sinh mổ
Nếu bạn đã từng sinh mổ trong lần mang thai trước đó, thì lần mang thai tiếp theo này, gần như chắc chắn bạn phải sinh mổ. Khả năng sinh thường sau sinh mổ rất thấp. Ngoài ra vì lo sợ những biến chứng nguy hiểm khi sinh như vỡ tử cung nên các bác sỹ hầu như không dám mạo hiểm cho phép bạn sinh thường.
Đến ngày dự sinh, dù có cơn co nhưng cổ tử cung không mở, bác sỹ cũng sẽ khuyên bạn phải chuyển mổ cấp cứu. Vì lo ngại có thể dẫn đến đờ tử cung, rất nguy hiểm.
Suy thai
Trong quá trình sinh, sức khỏe thai phụ và thai nhi được theo dõi chặt chẽ. Nếu nhịp tim thai nhi bất thường, có dấu hiệu suy thai, bác sỹ sẽ chọn phương pháp mổ lấy thai thay vì cố gắng cho thai phụ sinh thường.
Sa dây rốn
Một số trường hợp, dây rốn sa vào ống sinh trước khi thai nhi chui ra được khỏi âm đạo. Nếu điều này xảy ra, có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Và khi đó, sinh mổ là lựa chọn tốt nhất.
Có nguy cơ vỡ tử cung
Nếu xác định có nguy cơ hay khả năng vỡ tử cung, thai phụ cũng được chuyển mổ ngay lập tức.
Thai ngôi mông
Thai ngôi mông là thuật ngữ ám chỉ việc đầu thai nhi không chúc xuống dưới mà đầu ở bên trên, mông lại nằm trong khung chậu. Trường hợp này gần như 100% phải sinh theo phương pháp mổ.
Thai phụ mắc các bệnh truyền nhiễm
Thai phụ mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV hoặc herpes sinh dục (mụn rộp sinh dục) cũng không thể sinh thường tự nhiên.
Việt Hà
Nguồn: TT