Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Xót xa mẹ nghèo ăn xin kiếm tiền mua áo quan cho con trai

Khi con trai mất, gia tài của người mẹ chỉ có ngót nghét 300 ngàn đồng. Để có tiền mua chiếc hòm chôn cất con, người mẹ nghèo không quản ngại, phải đi ăn xin khắp chợ.


Sau khi con mất, người mẹ nghèo phải đi ăn xin lấy tiền mua áo quan cho con (ảnh minh họa)

Làm đám tang ngoài đường xin người hảo tâm quyên góp

Căn nhà lụp xụp nằm sâu trong con hẻm nhỏ vắng tanh. Giữa trưa, không gian vắng lặng càng khiến khung cảnh thêm im lìm, u uẩn. Người phụ nữ gầy, nhỏ, xanh xao, nằm lặng lẽ ở một góc nhà. Tiếng tụng kinh rì rầm phát ra từ chiếc đài nhỏ, hòa quyện với làn hương mỏng manh bay vấn vít trên bàn thờ.

Đã nửa tháng trôi qua, nhưng bà Nguyễn Thị Bích Thủy (49 tuổi, ngụ số 17, Lương Ngọc Quyến, phường Tây Lộc, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) dường như vẫn chưa lấy lại chút sức nào sau cái chết của con trai Văn Nguyễn Đức (SN 1990). Thân vốn mang nhiều bệnh tật, cuộc sống chỉ đong đếm từng ngày, con trai mất, bà quỵ hẳn, nằm liệt giường từ đó đến nay. Kể về con trai, giọng bà nghèn nghẹn, hai hàng nước mắt cứ bò ngoằn ngoèo trên đôi gò má hốc hác, xạm đen, đầy vết chân chim. Dường như bà vẫn chưa tin con trai đã chết ở cái tuổi ngoài đôi mươi, tràn trề sức sống.

Bà kể, chiều hôm đó, chẳng hiểu sao con trai lại ghé đến chỗ bà bán vé số. Sau khi ngồi với mẹ một lúc, con đã vội vã ra đi, bảo là đi trả xe cho người yêu. Biết con trai vẫn chưa ăn cơm nên bà dặn với theo, kêu Đức đi nhanh, về nhanh để ăn cơm kẻo đói. Nghe mẹ dặn dò, người con trai quay đầu lại nhìn, chỉ cười mà không nói. “Đâu ngờ đó là lần nói chuyện cuối cùng với con trai. Ngày hôm đó, mâm cơm tui nấu sẵn, thằng bé cũng chưa kịp ăn. Nó chết nước lạnh lẽo, lại chết đói nữa, tội nghiệp con tui quá”, giọng người phụ nữ não nề.

Khi nghe tin con trai nhảy cầu tự tử, bà bàng hoàng, vật vã. Lúc chưa tìm thấy xác, người mẹ tội nghiệp vẫn còn nuôi chút hy vọng, mong con trai được cứu sống. Đến khi điện thoại báo về, đội lặn đã tìm thấy xác Đức, bà ngất lịm. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, bà nghe mọi người bàn tán về việc tổ chức tang lễ cho con trai. Biết phải làm đám tang cho con trai ngoài đường, bà khóc ròng, xin cho được mang xác con vào nhà. “Tui khóc, nói thằng Đức chết nước, lạnh lẽo lắm. Cho cháu vào nhà cho ấm cúng. Chứ làm đám ma ngoài đường, tội nghiệp cháu lắm. Nhưng người hàng xóm cứ nhất quyết bảo không mang vào trong này được. Đang đau đớn vì mất con, tui như mất hết phương hướng, nên không nói gì được”, bà Thủy cho biết.

Tuy nhiên, theo người hàng xóm, do thấy gia cảnh của gia đình bà Thủy khó khăn, đơn chiếc, hơn nữa con hẻm nhỏ lại quá chật, nếu tổ chức tang lễ trong nhà sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng đến việc đi lại của cư dân trong con hẻm. Ngoài ra, việc tổ chức tang lễ ở phía ngoài đường sẽ thuận tiện để những người có lòng hảo tâm giúp đỡ, chứ không phải “sợ xui” nên hàng xóm không cho mang xác nạn nhân vào nhà như một số người nhận định. Ông Phạm Xuân Lộc, tổ trưởng khu phố nơi bà Thủy sinh sống cũng khẳng định, ông là người đã đưa ra quyết định cuối cùng: Dựng rạp làm đám tang cho người xấu số ngoài đường.

Tấm lòng nhân ái của vị tổ trưởng

Hôm con trai mất, gia tài bà Thủy có được chỉ 300 nghìn đồng. Không có tiền lo đám tang. Trong lúc con trai phải nằm trên chiếc sạp gỗ kê tạm bợ nơi rạp đám tang ngoài đường, bà lặn lội đi xin tiền khắp chợ Tây Lộc. Những người buôn bán trong chợ, kể cả những người đi chợ, thương cho hoàn cảnh của bà, người ít kẻ nhiều, đều dang tay giúp đỡ. “Em tội lắm, phải nằm ngoài đường lạnh lẽo như rứa, hết 24 tiếng đồng hồ. Một phần là do không có giờ tốt để liệm. Một phần phải đợi tui đi xin về, mới có tiền mua hòm cho em”, giọng bà nghẹn ứ.

Bà kể, thấy hoàn cảnh của bà khó khăn, nên ông tổ trưởng trong khu phố là Phạm Xuân Lộc (61 tuổi) thương tình, đã dẫn bà đi xin tiền khắp nơi. Lúc đi xin ở chợ Tây Lộc, có người chỉ vẽ, nên ông Lộc đã dẫn bà đến một gia đình khá giả trong thành phố. Sau khi nghe ông Lộc trình bày hoàn cảnh, người này đã giúp bà 5 triệu mang về mua hòm cho con trai. “Bà ấy đang đau đớn vì bệnh tật, lại tan nát tâm can vì nỗi mất con. Nếu để bà ấy đi một mình, thì khó xin được tiền, nên tui chấp nhận đi “ăn xin” cùng, để kiếm tiền mua quan tài cho cháu”, ông Lộc chia sẻ.

Sau khi con mất, lòng người mẹ chẳng yên. Bà luôn thắc mắc trong lòng, không hiểu vì sao con trai tự tử. Biết hôm xảy ra sự việc, người yêu của con trai cũng có mặt tại hiện trường, nên bà cứ trông ngóng. Mong cô bé ấy ghé qua, để hỏi rõ sự tình. Tuy nhiên, đã ba ngày trôi qua, nhưng cô gái ấy chẳng ghé lại. Bà kể: “Sợ con trai “ngóng”, lại nặng lòng, nên khi có người quen đến viếng, tôi nhờ họ nhắn giúp, mong cô đó ghé thắp cho con trai tui nén hương. Hôm sau cháu đó đến, nhưng chỉ ngồi lại một chút rồi về. Tui năn nỉ ở lại với con trai tui một đêm, nhưng cháu không đồng ý. Lúc ra về, tui vẫn dặn tới dặn lui, trước hôm đưa đám, thế nào cũng ráng sang ở lại một đêm. Dù gì, giữa hai đứa, cũng yêu nhau sáu bảy năm trời. Hai bên gia đình cũng từng gặp mặt, để nói chuyện cưới xin”.

Trong suốt câu chuyện, chốc chốc, bà lại đưa ánh mắt đau đớn nhìn lên di ảnh con trai. “Em nó chết lạnh lẽo, nên tui canh chừng cẩn thận, không lúc nào dám để hương trên bàn thờ của em tắt”, người mẹ tội nghiệp phân trần. Ly hôn lúc con trai út mới chào đời, một thân phải gồng gánh nuôi 4 đứa con. Kiếm miếng ăn đã khó, nên chẳng đứa con nào của bà được ăn học tử tế. Lớn lên, hai người con trai của bà vào tận Sài Gòn, làm thuê kiếm sống. Một người lập gia đình, vợ chồng dắt díu về khu công nghiệp ở trọ, làm công nhân. Chỉ có Đức sống cùng bà. Nay con trai mất, căn nhà vốn đã trống trải, giờ lại càng thêm quạnh quẽ. “Những lúc nhớ em nó quá, tui lại lấy điện thoại ra gọi vào máy của em. Chỉ mong có phép màu nào đó, lại được nghe giọng nói của em. Nhưng chỉ nghe những âm thanh tít tít lạnh lùng, càng khiến lòng thêm đau đớn, đứt ruột đứt gan”, giọng bà run run.

Đã quá trưa, nhưng căn bếp nhà bà vẫn lạnh tanh. Từ ngày con mất, bà chẳng thiết gì đến ăn uống. Hàng xóm thương tình, lúc mang sang tô cháo, lúc mang đến chén canh. Bà ăn cầm hơi, bao nhiêu sức lực, bà đã trút hết, khóc thương đứa con vắn số.

Nỗi niềm mẹ vợ “hờ” cũng ân tình như mẹ đẻ

Tìm về ngôi nhà bạn gái nạn nhân, bên cánh đồng cháy nắng, ngôi nhà nằm lặng lẽ dưới những gốc mít cổ thụ. Cô gái vắng nhà. Chỉ có mẹ cô gái ngồi hóng gió ngoài sân. Bà kể, con gái đi làm công nhân, cách nhà mấy cây số. Sáng sớm đã ra khỏi nhà, tăng ca đến 8 - 9 giờ tối mới về. Từ ngày “con rể hụt” qua đời, con gái bà chịu không biết bao nhiêu đàm tiếu của thiên hạ. Nhưng bà luôn trấn an con, người ta nói mãi, rồi cũng thôi, cuộc đời mình, mình cứ sống, chứ chẳng ai sống thay được ngày nào. “Hằng ngày, nó phải đi bộ đến chỗ làm, nhường chiếc xe cho người yêu đi. Hôm thằng Đức nhảy cầu, nó hẹn con bé lên cầu để lấy xe. Chị con bé chở nó đến điểm hẹn. Định bụng lấy xe xong, hai chị em sẽ chạy hai xe về. Nào ngờ…”.

Bà nói tiếp: “Sau khi Đức mất, tui nghe bên nhà ấy bảo, mấy chị em con bé kiếm người lên đánh thằng Đức, bức thằng Đức phải nhảy cầu tự vẫn. Họ giận giữ, định kêu người lên “xử” chị em con bé. Sợ con gái đến đám tang, lỡ gặp chuyện chẳng lành, nên tui nhất quyết không cho nó đến. Chỉ đến khi có người quen của con bé đi đám tang về, bảo nhà bên ấy đang trông con bé dữ lắm. Người này cũng hứa bảo đảm, không có chuyện gì xảy ra với con bé, tui mới an tâm cho đi. Với lại, nó làm công nhân, cả tháng được mấy đồng, nghỉ một buổi, họ trừ mất một triệu. Nên phải đến đêm cuối cùng, con bé mới về dưới nhà ấy ở lại. Mai đưa người yêu đi một đoạn. Nghĩa tử là nghĩa tận, huống hồ hai đứa yêu nhau đã lâu, thằng Đức cũng lên nhà tui ở hai năm trời. Cả nhà tui, ai cũng xem nó là rể trong nhà”.

Nhắc đến cái “duyên”, khiến Đức lên sống hẳn nhà bà mấy năm nay, giọng người phụ nữ buồn buồn. Bà kể, hồi ấy, Đức giận gia đình, nên ôm gói ra khỏi nhà, có điều chẳng biết phải đi đâu, ở đâu. Lúc đó, bà đang nằm viện điều trị bệnh tim. Con gái bà dẫn người yêu vào bệnh viện nơi bà đang điều trị, trước là để có chỗ tá túc, sau là tiện để chăm sóc bà. “Tui hỏi, rứa mai mốt mạ ra viện, thì bây đi đâu. Nó cười mà nói, mạ đi mô, con theo nấy”, bà Bính nói trong tiếng thở dài nhè nhẹ. Rồi lúc bà mổ tim, do thiếu máu, Đức đã không ngần ngại, chìa tay ra, san sẻ những giọt máu nóng hổi trong cơ thể mình sang cho bà. Cảm cái ơn đó, bà đã đối xử với Đức còn hơn cả con ruột. “Tui nghèo khổ, bệnh tật vậy, chứ có miếng chi ngon, cũng để dành cho thằng Đức. Nó đi đám cưới không có tiền, tui cũng dấm dúi cho nó. Đôi giày, cái áo, tui cũng sắm cho, ngay cả một hộp xi đánh giày, cái bàn chải đánh răng, tui cũng mua cho nó. Hỏi có khác gì mẹ đẻ”.

Tàn đời vì sa chân cờ bạc

Ánh mắt chất chứa nỗi niềm, bà kể tiếp: “Nhà nhỏ, nhưng từ ngày Đức dọn về ở, con gái tui nhường hẳn phòng của nó cho Đức ở, còn nó sang ở với tui. Lúc mới về đây, cái nết ăn nết ở của thằng Đức dễ thương lắm. Nhưng không hiểu sao, sau này nó lại đổ đốn, đam mê cờ bạc, cá độ bóng đá. Nợ nần bù đầu. Thấy chủ nợ cứ bủa vây, còn nó thì nghĩ quẩn. Tui coi nó như con trai mình, nên bao nhiêu tiền chắt chiu để dành thuốc thang, đều “xì” ra cho nó trả nợ. Lần vừa rồi, chủ nợ đòi nó ráo riết quá, họ dọa giết, mà nó bảo nếu không có tiền trả nợ, sẽ đi tự tử. Người làm mẹ như tui, thấy cũng xót, một phần vì trước có mang ơn thằng Đức. Có lẽ nó không nhớ, nhưng tui thì nhớ mãi trong lòng. “Một giọt máu đào, hơn ao nước lã”, tui nói với thằng Đức: “Mạng tau bây cứu, thì giờ mạng bây tau cứu”. Vì vậy tui gom góp được số tiền ít ỏi, vay mượn thêm bà con họ hàng, được 25 triệu, tui đưa cho thằng Đức đi trả nợ, tưởng chuyện vậy là êm xuôi, nào ngờ nó vẫn tìm đến cái chết”.

Bà thuật lại: “Hồi hai đứa nó yêu nhau, thỉnh thoảng lại cãi nhau, rồi giận hờn. Tui nói với nó, “bây ưa được con gái mạ, thì mạ cám ơn. Không ưa được, thì để con gái mạ đi lấy chồng. Nếu bây có duyên làm rể mạ thì tốt, còn không thì mạ coi bây như con trai trong nhà. Mai mốt bây cưới vợ, nếu bây muốn, thì mạ đi hỏi vợ cho bây”. Thấy nó sa chân vào cờ bạc, tui khuyên nhủ mãi. “Cha mẹ năm bảy ghét nhưng chín mười thương”, nhưng có thương bao nhiêu, cũng không thể sống giúp cuộc đời tụi nó. Tui nói với nó “tau thương bây, mà bây không thương bản thân mình, thì tau cũng chịu”. Trước hôm thằng Đức nhảy cầu bỏ mạng, trước đó bốn ngày, nó vào phòng đóng cửa, rồi cắt tay tự tử. May tui phá cửa xông vào, nên mạng của nó mới bảo toàn. Trước nữa, nó cũng từng uống một lúc 5 - 6 viên thuốc ngủ, cũng định tự tử, nhưng tui thấy chưa nguy hại, nên chỉ nấu đậu xanh để giải thuốc, chứ không đưa đi viện. Tui bảo nó “mạ thương bây thì thương, nhưng bây muốn chết, thì về nhà mạ Thủy (mạ ruột của Đức) mà chết, chứ đừng chết ở nhà mạ”.

Câu chuyện đang dang dở phải dừng lại vì đứa con gái tật nguyền của bà cứ kêu la í ới. Bà nặng nề đứng dậy, dìu đứa con vào nhà, sau đó lại quay ra, tiếp tục câu chuyện.

“Tui nghe con gái kể lại, lúc biết thằng Đức hẹn trên cầu, chị nó bảo con bé sao không hẹn chỗ khác, hẹn trên cầu, lỡ thằng Đức tự tử làm sao. Nhưng con bé bảo, hẹn chỗ khác, Đức không chịu. Khi ở điểm hẹn, Đức hỏi mượn tiền, nhưng con bé không có. Nó nói, bao nhiêu tiền có được, đã đưa cho Đức hết. Vừa rồi phải mượn bạn 500 ngàn đưa mạ đi mua thuốc. Thằng Đức nói nếu không có tiền thì chia tay. Nói rồi, nó nhảy xuống cầu tự tử. Cả hai chị em con bé đứng đó, nhưng bất ngờ quá, cũng không làm chi được”, bà nói.

Bà cho hay, sau ngày Đức mất, người thân bên nội của người thanh niên xấu số đã đi xem “thầy”. “Thầy” phán rằng, số “con rể hụt” của bà lẽ ra đã chết cách đây hai năm. Nhưng do bỏ đi khỏi nhà nên mới sống. Cũng vì người thanh niên này trở về nhà, nên mới mất mạng. “Thầy” cho rằng, dòng họ của người thanh niên có “bà cô trầm thủy”, “bà cô” này đã bắt cháu mình phải “đi theo”. Đức trở về nhà 4 ngày thì thiệt mạng…

Quá trưa, trời đang nắng bỗng kéo mây đen ngùn ngụt, sấm chớp ầm ầm. Câu chuyện giữa chủ và khách bất chợt chùng xuống khi cơn mưa giông đầu mùa trút xuống, xối xả.

Ngày 21/4/2014, khoảng 5h chiều, một nhóm 5 người gồm 3 nam, 2 nữ xuất hiện ở một vọng lâu trên cầu. Trong lúc hai cô gái và Đức ngồi nói chuyện trong vọng lâu, hai thanh niên khác lảng vảng bên ngoài. Một hồi, Đức trèo qua thành cầu và gieo mình xuống sông, ở độ cao trên 30m. Vì phản ứng quá nhanh, nên dù cố gắng, hai cô gái cũng không kịp giữ lại chàng trai.
Ngay khi nhận được tin báo, cơ quan chức năng đã có mặt tại hiện trường để xử lý. Đến khoảng 19h, nạn nhân xấu số đã được trục vớt lên bờ. Sau khi nạn nhân được đưa lên bờ, dòng người “bu đen bu đỏ” quanh hiện trường càng nhiều, nhưng người thân chẳng được mấy ai. Thông tin gia đình nạn nhân nghèo khó được loan đi. Không biết từ lúc nào, một bọc nilong trắng được ai đó đặt xuống chênh chếch phía trên đầu người chết, làm thùng lạc quyên tạm bợ. Nhiều người lặng lẽ đến đặt tiền vào “thùng” quyên góp, mong chia sẻ một phần gánh nặng với gia đình, cầu mong nạn nhân an lòng, yên nghỉ nơi chín suối. Đội lặn vớt xác, cám cảnh gia đình nạn nhân, lúc nhận tiền công đã bớt 50% số tiền. Ai đó tặc lưỡi: “Lấy chừng ấy coi như mới đủ tiền mua đồ cúng trả lễ trên sông”.