Đồng nghiệp là những người mà dù muốn hay không, bạn vẫn phải làm việc cùng họ, và bạn cần họ. Bạn cần ở họ sự thiện chí và hợp tác để có thể thực hiện tốt công việc của mình. Không chỉ vậy, các nghiên cứu chỉ ra rằng những bất hòa với đồng nghiệp và quan hệ công việc không tốt làm suy sụp tinh thần và giảm năng suất công việc còn hơn cả những lời đồn thổi sa thải.
Nếu bạn giống như đa số mọi người, bạn dành nhiều thời gian tại nơi làm việc hơn bất kỳ nơi nào khác. Tiếp xúc và xây dựng các mối quan hệ đồng nghiệp tốt có thể khiến nơi bạn trải qua nhiều giờ trong ngày trở nên dễ chịu hơn nhiều. Bạn không nhất thiết phải kết bạn với những người cùng làm, nhưng bạn cần tỏ ra thân thiện với họ.
Có rất nhiều cách để xây dựng và cải thiện quan hệ với đồng nghiệp, bạn có thể bắt đầu từ 12 gợi ý dưới đây của chúng tôi:
1- Tươi cười chào buổi sáng. Nếu mỗi sáng bạn lầm lũi đi vào văn phòng, mặt cúi gằm, vai rũ và ngay lập tức bắt đầu công việc, bạn hẳn đã nhận ra rằng đồng nghiệp phớt lờ hoặc tránh né bạn. Hãy tập thói quen nở nụ cười và chào hỏi mọi người khi bạn vào văn phòng buổi sáng hoặc khi bạn thay ca. Bạn sẽ thấy rằng chỉ cử chỉ nhỏ này có thể làm tan băng mối quan hệ công sở của bạn nhanh đến thế nào.
2- Chuyện phiếm với đồng nghiệp. Hãy hỏi các đồng nghiệp của mình về các mối quan tâm của họ: âm nhạc, phim ảnh, cuốn sách yêu thích hoặc sở thích đặc biệt của họ. Được thể hiện niềm yêu thích của bản thân sẽ khiến họ cảm giác thoải mái hơn với bạn.
3- Chấp nhận những cách trêu đùa thiện chí. Đôi khi người ta trêu chọc bạn không phải để “dìm hàng” hay do ghét bỏ mà chỉ để làm quen hoặc tìm hiểu con người bạn thông qua phản ứng của bạn. Nếu đồng nghiệp nào đó bông đùa về đôi giày mới của bạn hay lén đổi hình nền nhí nhố trên máy tính của bạn thì đừng nổi giận nhé; hãy hưởng ứng trò đùa, ngay cả nếu chúng là về chính bạn. Tất nhiên, nếu những trò trêu ghẹo nhắm vào cá nhân (chẳng hạn như về cân nặng hay dân tộc / tôn giáo), khiến bạn khó làm việc hay khiến bạn khó chịu vì tính chất nhạy cảm của nó, bạn cần yêu cầu mọi người ngừng lại hoặc phải báo với cấp trên nếu cần.
4- Hỏi ý kiến đồng nghiệp. Ai cũng muốn được hỏi ý kiến cả, đồng nghiệp của bạn chắc chắn không nằm ngoài số đó, vậy hãy tham khảo ý kiến của họ qua những câu hỏi kiểu như: “Anh / chị thấy tài liệu này có gì thiếu sót không?” hay “Anh / chị nghĩ tôi nên làm thế nào để xử lý tình huống này?”… Tiếp đó, hãy cảm ơn “chuyên gia tư vấn” này thật chân thành, dù ý kiến của họ có thể không có ích gì cho bạn.
5- Tránh đàm tiếu. Bạn không muốn người khác nói sau lưng bạn thì cũng đừng làm vậy với người khác. Khi một đồng nghiệp “nói nhỏ” với bạn tin đồn hấp dẫn nào đó về một cặp đôi đang hẹn hò trong công ty hay ai đó sắp bị kỷ luật, hãy trả lời đơn giản: “Thật hả?” sau đó chuyển đề tài và trở lại công việc của mình. Nếu bạn không hưởng ứng, “ông / bà tám” này sẽ “tha” cho bạn, trả lại sự tin tưởng và tôn trọng của đồng nghiệp dành cho bạn.
6- Khi nói chuyện với một đồng nghiệp “hắc ám”, hãy vờ như bạn đang ở trước mặt con trẻ. Kỹ thuật trực quan đơn giản này sẽ giúp bạn giữ được bình tĩnh vì bạn phải nêu gương cho con cái trong cách sống và xử sự mà. Với sự “giám sát ảo” của “bọn trẻ”, bạn sẽ khó mà hạ mình xuống ngang hàng với người đồng nghiệp “đáng ghét” kia.
7- Đưa ra những lời khen ngợi. Anh T lại lần nữa sửa được cái máy photocopy? Hay anh A đã bỏ được thuốc lá? Hãy khen ngợi đồng nghiệp với những thành quả mà họ đạt được – cả trong công việc lẫn cá nhân. Thường thì chúng ta hay tập trung vào những lỗi lầm hơn là những thành tựu của người khác, do vậy những lời khen dù rất bình dị thôi cũng làm mọi người cảm thấy được trân trọng.
8- Tỏ ra tử tế với mọi người. À, tất nhiên bạn không phải là thiên thần hay mạnh thường quân vĩ đại, nhưng hãy cố gắng thể hiện những cử chỉ tử tế mỗi tuần, và hãy chọn một người đồng nghiệp khác cho từng lần. Chẳng hạn, tuần này bạn đem bánh cho một người mà chẳng có lý do gì, tuần khác bạn có thể tặng một người khác một món quà nho nhỏ – có thể là thiệp cảm ơn hay một món đồ vui vui cho ai đó có vẻ đang xuống tinh thần.
9- Trả lời điện thoại và email sớm. Để xây dựng tình thân nơi công sở, bạn có thể bắt đầu ngay từ những nguyên tắc ứng xử cơ bản nơi văn phòng. Chẳng có gì khiến các nhân viên công sở bận rộn chán nản hơn là khi cuộc gọi và email của họ bị từ chối. Sự im lặng của bạn không chỉ khiến công việc của họ khó khăn hơn mà còn gửi đi những thông điệp bất hợp tác của bạn, rằng: “Anh / chị không quan trọng với tôi!”
10- Luôn đúng giờ để thể hiện sự tôn trọng của bạn với thời gian của người khác.
11- Công bằng và tôn trọng ý tưởng của đồng nghiệp dù cho đó là người có thể bạn không vừa lòng cho lắm. Đồng thời, cố gắng không đưa ra ý tưởng của mình với thái độ độc đoán và luôn thể hiện rằng bạn lắng nghe và ghi nhận những ý tưởng tốt hơn từ người khác (nếu có).
12- Suy nghĩ tích cực về điều mà bạn không biết. Có điều kỳ cục là khá nhiều nhân viên luôn nghĩ rằng họ làm việc chăm chỉ hơn một số đồng nghiệp, hoặc nghĩ những người quản lý toàn là lười biếng và “chỉ tay năm ngón”. Hãy dẹp bỏ ngay những suy nghĩ độc hại này, ngay cả khi nó đã lan tràn trong công ty bạn – thái độ tiêu cực này sẽ khiến cho công việc của bạn trở nên khổ sở. Thay vào đó, hãy nghĩ rằng mọi người đều đang làm việc chăm chỉ và hết sức mình, cả khi bạn không biết công việc của họ. Bạn nên tin tưởng cả công việc và công ty mà bạn đang làm, còn nếu không, có lẽ đã đến lúc nghĩ đến chuyện chuyển việc.