Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Truyện : Rắn độc


Có lần Phật đi giữa đồng ruộng, Tôn-giả A-nan theo hầu.

Bỗng Ngài đưa tay chỉ vào một bụi rậm bảo:

"Độc xà, A-nan!"

Tôn-giả A-nan nhìn vào, cũng nói:

"Đại độc xà, Thế tôn!"

Tình cờ một nông phu đi sau lưng nghe lén, bèn vào xem là cái gì. Anh ta khám phá một hủ đầy vàng ròng, vô cùng mừng rỡ, bảo thầm:

"Nghe đồn Thế Tôn là bậc nhất thiết trí, cái gì cũng biết, vậy mà vàng đây, "Ổng" lại bảo là rắn độc! "

Anh liền khiêng vàng về, tạo mãi nhà cửa, ruộng đất, xe ngựa... Xóm giềng thấy anh lâu nay nghèo kiết xác, ăn bữa hôm lo bữa mai, nay bỗng dưng phát phú, thì không khỏi nghi ngờ, lên trình quan.

Quan gọi lên tra hỏi và anh nói rằng: tôi nhặt được bên đường. Quan cho anh biết đó là vàng bạc của những kẻ trộm trong hoàng cung. Nhưng anh không chấp nhận. Sau đó quan cho lính về nhà lục xét, lấy hết vàng bạc châu báu và bắt anh bỏ tù.

Ngồi trong ngục tối, anh mới thấm thía lời Phật dạy.
-Anh tưởng là từ nay sẽ được ăn cao lương mỹ vị, thì ngược lại bị giam đói.
- Anh tưởng từ nay được ở nhà cao cửa lớn, hóa ra lại nằm trong ngực.
Cảm khích anh ta kêu to:
"Độc xà, A-nan! Đại độc xà, Thế Tôn!"

Quan giữ ngục nghe được bèn hỏi lý do, anh ta kể đầu đuôi câu chuyện.

Quan giữ ngục tâu lên vua. Nhà vua đến hỏi Đức Phật. Đức Phật xác nhận mọi việc, và anh ta được thả ra.

Khi thả ra anh mới nghiệm được chân lý:
" Giờ phút này con mới tỉnh ngộ, tin hiểu lời Phật dạy thật sâu xa vô cùng".

BÀI HỌC:

Quý vị thân mến,

Không dễ gì ngày nay, Phật tử chúng ta đã tỉnh ngộ, tin theo lời dạy của Thế Tôn.

Giả sử một sớm mai đẹp trời, đi giữa đường gặp thỏi vàng như vậy, chúng ta có mang về không? Chắc cũng mang về.

Cho nên lắm lúc người ta bảo Phật dạy không thực tế, viễn vông. Nhưng hàng Phật tử cần nhận thức cho rõ có phải lời Phật là chí lý hay không? Chẳng qua, vì lòng tham của chúng ta còn quá nặng, nên không làm ngơ được.

Nhưng khi chưa nghe lời Phật dạy thì chúng ta sử dụng vàng một cách khác. Khi đã nghe, sử dụng cách khác.
Nghĩa là, phải biết bắt rắn thế nào cho nó khỏi cắn.

Ở đây, là đừng vị kỷ, vì tất cả việc làm vị kỷ đều xấu, vị tha đều tốt.

Nếu đem vàng về mà làm việc lợi tha thì đó là biết cách bắt rắn, không bị rắn cắn. Không những vàng, mà mọi chuyện khác đều như vậy. Nếu thiếu trí tuệ, thì chúng ta làm sao hiểu rõ lời dạy thâm thúy và hạnh phúc mà lời dạy ấy sẽ mang lại cho ta?

Vàng mà bảo là rắn độc, thì cũng không khác gì nói "Đời là đau khổ".

Nếu không có trí tuệ, chúng ta cũng sẽ bảo, như anh nông phu kia, rằng:

"Thật là viễn vông! Nào xi-nê, nào hát bội, nào cải lương... bao nhiêu chuyện vui như vậy mà lại nói là đau khổ! Có trí tuệ là có nhận thức, biết được sự việc trước khi nó xảy đến chứ không phải chờ nó xảy ra rồi mới biết.
Trí tự giác là một ngọn lửa sáng từ trong tâm khiến cho chư Phật và Bồ-tát, Tổ sư thấy ngay được chân lý không cần thầy dạy, đó cũng là vô sư trí, vô sư tự ngộ hay tự giác thánh trí.
Nhưng đó cũng là do công phu lâu đời lâu kiếp mới có được.

Nếu là Phật tử mà lấy tà làm chánh, không biết phân biệt phải trái hay dở thì không phải có trí tuệ, và dễ trở thành mê tín, dị đoan, tin theo tà sư tà đạo. Do đó, Phật dạy cho các Phật tử tại gia là phải trau dồi trí tuệ để được hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.
Rất mong qúy vị ghi nhớ, suy nghĩ, để đời sống an lạc nhé.
(TTS)