Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Người phụ nữ nuôi dưỡng 168 trẻ khuyết tật

Cô Trần Thị Thu Hương đã dành cả cuộc đời, bỏ qua hạnh phúc của bản thân để nuôi dưỡng 168 đứa trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam, câm điếc, bị bệnh down trong mái ấm Thiện Giao ở Hải Phòng.

>> Từ giang hồ khét tiếng thành thiền sư đắc đạo.

Năm nay, cô Trần Thị Thu Hương đã bước sang tuổi 64. Quá nửa đời người, cô đã gắn bó với mái ấm Thiện Giao, với những đứa con khùng khùng, dở dở. Trước đây, từng có người đàn ông tìm đến cô để xây dựng mái ấm riêng, nhưng thấy cảnh tượng này đã quay gót ra đi. Tám năm trước, cô Hương thành lập cơ sở từ thiện Thiện Giao, cách nội thành Hải Phòng 20 phút chạy xe.

Trên mảnh đất 5.000 m2, ngoài dãy nhà tôn liền với căn bếp, cơ sở có hai dãy nhà cho các con trú ngụ, một hội trường và một xưởng ủ nấm. Tất cả đều là nhà tranh mái lá, tường gạch ba banh tróc lở. Cả nhà sống nhờ xưởng trồng nấm linh chi cùng đàn heo và ao cá sau nhà. Tuy cuộc sống không dư dả, nhưng cô có thể tự chủ hoàn toàn. Thỉnh thoảng có những nhóm thiện nguyện của học sinh, sinh viên ra giúp gia đình Thiện Giao làm vườn, đào ao. “Tôi muốn các con tôi sống bằng chính sức lao động của chúng”, cô Hương nói.


Mẹ Hương và các con trong mái ấm.

Cuộc đời nuôi con của người khác đến với “mẹ Hương” như một câu chuyện cổ tích. Cô Trần Thị Thanh Hương quê gốc ở Huế, ba mẹ tập kết ra Bắc năm 1954. Cô nữ sinh sắc sảo trường Thái Phiên (Hải Phòng) ngày ấy đã tham gia thanh niên xung phong từ năm 1966. Năm 1968, cô chuyển sang bộ đội. Năm 1972, trên đường từ chiến trường miền Nam ra Bắc, đến Hồ Xá, Quảng Trị, cô Hương được một đồng đội trao cho một đứa bé nhờ nuôi hộ vì anh bị nhiễm chất độc da cam, nhà chẳng còn ai. Rồi sau đó, biết chuyện, lại một đồng đội nữa của cô đến gửi con.

Một mình với 2 đầu đòn gánh 2 đứa trẻ, một con tên Lạc, một con tên Hằng, cô Hương đã gánh 2 con từ miền Trung ra đến Đoàn an dưỡng 253 (Quân khu 3). Cứ mỗi lần di chuyển là những đồng đội của cô lại gửi thêm những đứa con không lành lặn của mình. Để rồi khi chiến tranh kết thúc, người mất người còn, cô Hương may mắn được trở về, nhưng hành trang mang theo là đàn con không lành lặn. Trở lại quê hương, cô định bụng gặp người yêu, bàn bạc để xem nuôi nấng con cái thế nào, nhưng cô về được 2 ngày thì người yêu đi lấy vợ.

Quá đau đớn và buồn tủi, cô đưa các con ra Móng Cái, Quảng Ninh ở với một trái tim tổn thương và khoá kín trước tình yêu. Nhiều người bảo cô là điên, mua dây buộc mình, cô chỉ cười. Cô bảo, ai không từng trải qua chiến tranh, không biết ranh giới mong manh của sự sống, cái chết, không biết cảm giác đồng đội chìa lưng ra đỡ đạn cho mình sẽ không thể hiểu tại sao mình làm như vậy. Một vài năm, khao khát có gia đình riêng cũng trôi qua. Cô lại dồn hết sức cho các con.

Cho đến ngày hôm nay, cô Hương đã nuôi gần 166 đứa con tật nguyền. Có bao nhiêu lớp người trưởng thành dưới bàn tay chăm sóc của cô “tàn nhưng không phế”. Cô luôn cố gắng dạy dỗ cho các con làm được ít nhất một việc có ích (anh Hạnh, năm nay 33 tuổi, mẹ dạy quét nhà 6 năm ròng), để ra đường các con của mẹ không phải chịu những ánh mắt thương hại. Nếu những ai có dịp ra thăm mái ấm của cô hiện nay sẽ được cảm nhận ngay sức sống mạnh mẽ của nơi này.

Chỉ có điều bệnh tật là điều duy nhất đến thời điểm hiện tại mà cô chưa thể chiến thắng được. Ngày thanh niên, làm tình báo, võ thuật, bắn súng, cô chưa thua ai bao giờ, ấy thế mà, căn bệnh ung thư phổi sau gần 20 năm đã di căn sang gan, hàm và họng. Theo như lời bác sĩ chuyên khoa, cô chỉ còn sống được một năm. Thế mà người phụ nữ này vẫn cười nói với tôi “những người cùng bị với cô giờ chẳng còn ai con ạ”. Bụng cô giờ đã chướng, có dấu hiệu ứ nước và đứng lên ngồi xuống rất khó khăn.

Biết thời gian sống của mình còn rất ngắn, dù mới ở tuổi 64, cô đã lên kế hoạch trước cho các con trong gia đình đặc biệt của mình. Người mà cô định giao trọng trách là Phương. Phương tuy mất cả 2 chân nhưng đầu óc minh mẫn, lại thông minh, nên cô mua xe ba bánh điện cho Phương đi học chuyên ngành kế toán - khoa Kinh Tế của Trường Đại học Hải Phòng. Những đứa khác như Hoa, Dính, Hai cũng được chị lo cho đi học trường nghề, cao đẳng để sau này phụ giúp Phương.

Cô luôn dặn các con “Không có mẹ, có bị ngã dập mặt cũng phải đứng lên thay mẹ chăm sóc các em”. Cuộc sống của cô chắc chỉ còn kể tháng, kể ngày. Cô đang phải chống chọi lại căn bệnh ung thư phổi đã di căn sang dạ dày và cổ họng nhưng vẫn cố che chở cho các con. Tuy vậy, cô vẫn ước mơ có điều kiện sẽ đưa các con đi thăm chiến trường xưa mà cô từng chiến đấu, nơi mà tình yêu mẹ con bắt đầu nhen nhóm và đến cả mũi Cà Mau để thấy đất nước ta dài rộng, tươi đẹp như thế nào.

Tấm lòng nhân hậu của cô Hương cũng rộng dài như sông, như biển. Tấm lòng ấy dù đang hiển hiện trên thế gian này hay đi vào cõi vĩnh hằng, vẫn làm cho cuộc đời này đơm hoa thơm, kết trái ngọt. Đó sẽ là điểm sáng lương tri để mỗi chúng ta phải ngưỡng mộ, học tập, tôn vinh và nhớ mãi…